“Phủ sóng" hóa đơn điện tử, việc không thể đừng

Ngày đăng: Oct 20, 2009 4:47:51 AM

Dự kiến, từ năm 2018 đến 2020, ngành Thuế sẽ triển khai mở rộng HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ đối với toàn bộ người nộp thuế bao gồm các DN và cá nhân kinh doanh. Với gần 100% DN áp dụng kê khai thuế qua mạng như hiện nay, đây sẽ là cơ sở để ngành Thuế "phủ sóng" hóa đơn điện tử. Kiểm soát doanh thu, chống gian lận thuế

Theo Tổng cục Thuế, đến nay cả nước đã có 656 DN thực hiện hoá đơn điện tử với số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng khoảng 277,98 triệu hoá đơn. Cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có DN sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, hầu hết là các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, ít rủi ro.

Việc sử dụng hoá đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích, được khách hàng chấp thuận, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN; qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của DN. Về phía khách hàng, thói quen sử dụng hóa đơn giấy dần thay đổi. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp khách hàng thuận tiện trọng thanh toán, có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy.

Trên thực tế, ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính đã khuyến khích một số DN sử dụng nhiều hóa đơn giấy, đã có hạ tầng công nghệ thông tin, tuân thủ pháp luật thuế để áp dụng hóa đơn điện tử như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Hàng không Việt Nam...

Ở một mức cao hơn, để ngăn chặn việc sử dụng, buôn bán hóa đơn giả, bất hợp pháp, ngay từ giữa năm 2015, trên cơ sở thông lệ quốc tế một số nước có sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Thực hiện IN hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế, trước khi được gửi cho người mua, hóa đơn điện tử được truyền đến hệ thống điện tử của cơ quan Thuế để được gắn mã điện tử. Thông qua mã điện tử này, cơ quan Thuế sẽ có nội dung dữ liệu của hóa đơn. Đây cũng là giải pháp căn bản để kiểm soát doanh thu của DN, chống gian lận, trốn thuế. Bởi trên thực tế, chỉ tính riêng thuế GTGT, theo quy định, các giao dịch mua bán từ 200.000 đồng trở lên, cá nhân, DN kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho người mua (thuế GTGT 10%). Thói quen không lấy hóa đơn của người mua hàng đã vô tình tiếp tay cho cơ sở sản xuất kinh doanh khai man, trốn lậu thuế.

Kết quả, sau khi thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế tại TP. Hà Nội và TP. HCM, đến nay, đã có 315 DN đăng ký với cơ quan Thuế phát hành hóa đơn mã xác thực của cơ quan này (trong đó TP. Hà Nội có 201 DN, TP. HCM có 114 DN). Tính đến hết ngày 02/12/2016, tổng số hóa đơn đã phát hành và được xác thực đạt 2.449.548 hóa đơn, tổng tiền doanh thu đã xác thực là 18.934 tỷ đồng và tổng số thuế đã xác thực đạt 880,8 tỷ đồng.

Phổ cập từ năm 2018

Để khắc phục những bất cập tồn tại về hóa đơn, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình thực hiện hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Năm 2015 đã thực hiện áp dụng thí điểm hoá đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế đối với 200 DN tại TP. Hà Nội và TP. HCM. Từ năm 2017 đến năm 2018, Tổng cục Thuế tiếp tục mở rộng thí điểm đối với khoảng 12.000 DN tại TP. Hà Nội, TP. HCM và 8 tỉnh, thành phố khác, bao gồm thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế và thí điểm kết nối thông tin với DN tự triển khai hóa đơn điện tử.

Dự kiến, từ năm 2018 đến 2020 sẽ triển khai mở rộng hóa đơn điện tử đối với toàn bộ người nộp thuế bao gồm các DN và cá nhân kinh doanh. Đồng thời triển khai thí điểm thu thập dữ liệu từ máy tính tiền, phần mềm bán hàng của nhà hàng, siêu thị, khách sạn,…

Lộ trình trên đây là có cơ sở, bởi hiện nay, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc kê khai, nộp thuế điện tử thông qua việc kết nối hệ thống ứng dụng ngành Thuế với các nhà cung cấp dịch vụ kê khai thuế qua mạng Internet. Trong số 581.875 DN đang hoạt động hiện nay, có 576.056 DN (chiếm tỷ lệ 99%) thực hiện khai thuế điện tử và 565.099 DN (chiếm tỷ lệ 97%) đã thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử tại các Ngân hàng thương mại.

Để chuẩn bị cho lộ trình này, thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để thuê dịch vụ công nghệ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm mở rộng ứng dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ DN lớn, Tổng cục Thuế: "Trong giai đoạn đầu thí điểm, hóa đơn điện tử đã nhận được sự ủng hộ của nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực: Hàng không, Ngân hàng, Điện lực, Viễn thông… Hiện nay, cơ quan Thuế có cơ chế khuyến khích DN sử dụng để về lâu dài mở rộng trong phạm vi cả nước". Ông Phụng cũng khẳng định, đến một giai đoạn phát triển nhất định việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho việc sử dụng hóa đơn giấy là tất yếu.