Phú Yên phát triển thương mại hóa đơn điện tử

Ngày đăng: Nov 11, 2020 1:54:27 AM

Kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2025, Phú Yên có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 6 triệu đồng/người/năm; 70% website thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nhiều ngành kinh tế ảnh hưởng nặng nề, nhưng thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh và trở thành kênh giao dịch chính trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Cùng với người tiêu dùng trong nước, thời gian qua, người tiêu dùng Phú Yên phải thực hiện việc giãn cách xã hội, hạn chế đến những nơi đông người để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Để mua được hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, trong khi không thể đến chợ, hoặc trung tâm thương mại, nhiều người chọn cách ngồi tại nhà đặt hàng qua dịch vụ giao hàng tận nơi thông qua các ứng dụng trên nền tảng internet.

Bà Lê Thị Bích Ngọc ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cho biết, bà làm quen với việc mua hàng qua mạng internet thông qua các website của doanh nghiệp và mạng xã hội facebook hơn 3 năm nay. Bây giờ, nhiều vật dụng trong gia đình bà Ngọc như điện tử, quần áo, thực phẩm,… cũng được mua qua các trang mạng. “Trong thời gian hạn chế đi đến các nơi công cộng do ảnh hưởng dịch bệnh, tôi chỉ ở nhà làm việc và đặt mua online những loại hàng hóa thiết yếu. Tôi thấy phương thức mua hàng này rất tiện lợi, chất lượng đảm bảo, mẫu mã thì đa dạng để lựa chọn”, bà Ngọc chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hạnh ở phường 1, TP Tuy Hòa cho hay, thời gian trước ông còn băn khoăn mỗi khi mua hàng trực tuyến, nhưng nay đã trở thành thói quen. Mỗi khi bận rộn, không có thời gian đi mua sắm, ông chỉ cần lướt web là có thể mua được món hàng mong muốn, từ đặt tour du lịch, phụ tùng xe, cây cảnh, quần áo đến chiếc móc khóa, hay đôi dép, mà không cần phải chen chúc đi xa, xếp hàng chờ đợi.

Ông Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Du lịch Long Phú tại Phú Yên cho biết, hầu hết các tour du lịch của chi nhánh trong thời gian qua được khách hàng đặt qua website. “Việc ứng dụng thương mại điện tử đã giúp ích công ty rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối đối tác, ký kết hợp đồng với du khách. Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh như hiện nay”, ông Đông nhận định.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Nếu không kịp thời chuyển đổi phương thức kinh doanh thì sẽ tụt lại phía sau. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đang tác động nặng nề lên ngành bán lẻ, vì vậy đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp trong tương lai, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.