Năm 2019, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử?

Ngày đăng: Aug 23, 2018 3:17:39 AM

Sắp tới, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ không được thực hiện việc đặt in hóa đơn. Thông tin trên là một trong những nội dung tại dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP mới được Bộ Tài chính công bố, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2019. Điều này nhằm mục đích phát triển, mở rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thông qua việc hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn.Theo dự thảo trên, cơ quan thuế sẽ thực hiện đặt in hóa đơn để bán cho các doanh nghiệp mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh. Việc bán hóa đơn cho doanh nghiệp mới thành lập được thực hiện trong thời gian 6 tháng và trong thời gian này cơ quan thuế sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử. Dự thảo cũng quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.

Riêng đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc thù sử dụng tem, vé, thẻ là hóa đơn đặc thù có ghi mệnh giá thì các doanh nghiệp, tổ chức vẫn thực hiện đặt in tem, vé, thẻ để sử dụng như hiện hành. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn những trường hợp đặc thù phải sử dụng hóa đơn đặt in. Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại được sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền và định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế.

Về câu chuyện quản lý hóa đơn, cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã liên tục có những cải tiến. Trước đó, động thái mạnh mẽ nhất có thể nhắc đến là việc cho phép doanh nghiệp được đặt in, tự in hóa đơn sau một thời gian rất dài chỉ được phép mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa đơn giấy phổ biến đã tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp; Doanh nghiệp thực tế không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, hoặc không kê khai nộp thuế để trốn thuế...

Dự thảo Nghị định về hoá đơn thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/ NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về quản lý hóa đơn, ngăn chặn hóa đơn giả, hóa đơn ma... nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn vốn là vấn đề nhức nhối thời gian qua.

Lộ trình chuyển đổi hóa đơn điện tử theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ

Căn cứ theo Nghị định 51, lộ trình chuyển đổi sang hóa đơn điện tử bao gồm 3 giai đoạn.

- Giai đoạn từ ngày 01/01/2018, đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử/ hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế vào đầu năm 2018 là những doanh nghiệp mới thành lập; các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số Thuế và định kỳ thực hiện kết chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan Thuế.

- Giai đoạn từ ngày 01/01/2019, mục tiêu đặt ra cho đến đầu năm 2019 của Nhà nước ta là 30% các tổ chức, doanh nghiệp chưa bắt buộc áp dụng còn lại sẽ bắt buộc áp dụng triển khai hóa đơn điện tử.

- Giai đoạn từ ngày 01/01/2020, giai đoạn cũng là bước lộ trình mà Nhà nước ta mong muốn thực hiện được và hướng đến mục đích 100% các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỷ trở lên.

Theo lộ trình của Nghị định 51 này thì việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đầu năm 2018 sẽ rơi vào những doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm phát hành hóa đơn và nhóm doanh nghiệp có rủi ro cao về Thuế.

Lộ trình chuyển đổi hóa đơn điện tử của ngành Thuế trong dự thảo nghị định

Đề xuất của ngành Thuế trong dự thảo vừa qua đối với các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử thì trong thời gian tới vẫn tiếp tục thực hiện triển khai hóa đơn điện tử như cũ.

Trong đề xuất này, điểm mới mà ngành Thuế đề ra đó là:

- Các doanh nghiệp phải định kỳ gửi dữ liệu đến cơ quan thuế cùng với việc lập, gửi tờ khai thuế GTGT như hiện hành. Vấn đề này, ngành Thuế đề xuất áp dụng từ ngày 01/01/2018.

- Đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về Thuế thì sang đầu năm 2018 sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế.

- Doanh nghiệp tự in hoặc đặt in hóa đơn giấy sẽ có thêm 6 tháng để chuyển đổi sang hóa đơn điện tử so với các doanh nghiệp có rủi ro cao về Thuế, tức đến ngày 01/7/2018 những doanh nghiệp này sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử.

- Trong trường hợp các doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn với số lượng lớn thì vẫn tiếp tục sử dụng số hóa đơn đó trong năm 2018 và chuyển đổi dần sang hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử ngay thì sẽ được Cơ quan Thuế và Bộ tài chính hỗ trợ.

Với những lộ trình theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ và lộ trình mới được ngành Thuế đề xuất thì việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ gần như được tiến hành đại trà tại các doanh nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt để giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm được các chi phí trong quá trình in ấn, gửi hóa đơn đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện nay.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) mang lại lợi ích cho cả 3 bên: người bán, người mua và cơ quan quản lý trong đó có cơ quan thuế. Nhận thấy những lợi ích hóa đơn điện tử mang lại, hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn như EVN SPC (Tổng công ty điện lực miền Nam), Ngân hàng Sacombank…đã tích cực hưởng ứng việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy thông thường.

Từ năm 2011, sau khi được bộ Tài chính chính thức đưa vào sử dụng thì tính đến nay đã có hơn 3300 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/1 vừa qua.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, áp dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy sẽ giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp như chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn. Đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán, kế toán sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra sử dụng HĐĐT còn giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.