Hóa đơn điện tử không có bảng kê

Ngày đăng: Jun 24, 2019 1:9:47 AM

Sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ nguồn thu. Việc chuyển đổi từ giao dịch hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (HĐĐT) là yêu cầu tất yếu của kinh doanh hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai HĐĐT hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc khiến DN phải băn khoăn, lo lắng.

Ngay sau khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức tọa đàm giữa DN hội viên với Cục Thuế TP.HCM và Hội Tư vấn thuế Việt Nam để làm rõ những thắc mắc xung quanh việc triển khai HĐĐT.

Khi chuyển qua HĐĐT, bản chất của nó là một tập tin dữ liệu chứ không có khái niệm trang của in hóa đơn, vì vậy phải thể hiện đủ các loại dịch vụ, hàng hóa đó nên hóa đơn điện tử KHÔNG SỬ DỤNG BẢNG KÊ. Ông Lê Duy Minh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chia sẻ: “Khi kê khai nộp thuế điện tử, chúng tôi ý thức được những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, từ khi thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử năm 2013 cho đến nay, việc nộp thuế điện tử vẫn rất trơn tru. Tất nhiên, vấn đề HĐĐT không thể nói là đơn giản nhưng cũng không nên quá lo lắng. Ở nước ngoài, hóa đơn (invoice) được quan niệm rất nhẹ nhàng, chỉ là xác nhận ngày hôm nay có giao dịch thương mại. Đi kèm với invoice là chứng từ thanh toán qua ngân hàng, có tính chất xác nhận giao dịch mua bán đã hình thành. Tổng cục Thuế sẽ cố gắng duy trì được dữ liệu về invoice để thực hiện đối chiếu, tránh DN mua bán hóa đơn bất hợp pháp, còn lại dữ liệu cụ thể invoice thì vẫn phải lưu trữ ở máy của DN. Tổng cục Thuế cũng muốn có hệ thống quản lý tập trung, nhưng chi phí lớn quá”.

Một vấn đề nảy sinh đối với ngành kinh doanh vận chuyển: Khi lưu thông hàng hóa phải có hóa đơn để trình khi bị kiểm tra trên đường thì HĐĐT làm sao có để trình? Ông Minh khẳng định: HĐĐT vẫn có thể chuyển qua hóa đơn giấy, chỉ in ra và có xác nhận của DN là đủ.

HĐĐT không đơn thuần là một giải pháp công nghệ của DN hay cơ quan quản lý thuế m nĩ địi hỏi sự đồng bộ về mặt quản lý nhà nước, hạ tầng kỹ thuật và cơ chế vận hành hoàn thiện. Có như vậy quyền, nghĩa vụ của DN và người nộp thuế mới được đảm bảo công bằng, minh bạch, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Chu Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên theo luật định thì đến tháng 7/2022 mới bắt buộc phải sử dụng toàn bộ HĐĐT, sự không đồng bộ này sẽ dẫn đến tình trạng khi Nhà nước chưa thành lập trung tâm lưu trữ dữ liệu về HĐĐT quốc gia thì DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm lưu trữ, quản lý hóa đơn của chính mình. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn bởi lẽ, ngoài việc có chi phí lớn để tự bảo quản, lưu trữ dữ liệu, vẫn có thể gặp rủi ro, chẳng hạn, xảy ra trường hợp mất dữ liệu thì pháp luật sẽ bảo vệ người nộp thuế ra sao, giao dịch với khách hàng bằng cách nào. Rồi những tình huống khác như đường truyền Internet yếu, không truy cập được thì ai xác nhận việc này. Việt Nam có những đơn vị lớn mạnh về công nghệ như Misa, VNPT, Viettel, song họ chỉ là những tổ chức làm dịch vụ HĐĐT, không có chức năng quản lý nhà nước. Vậy khi mất dữ liệu hóa đơn của DN, Nhà nước có chịu trách nhiệm hay không? Nếu nhà cung cấp dịch vụ chỉ có Data Center để lưu dữ liệu thì khác gì chúng tôi tự lưu giữ ở DN”.