Theo luật, doanh nghiệp (DN) được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã và không có mã của cơ quan thuế, nhưng nhiều DN cho biết trên thực tế họ bị cơ quan thuế "ép" sử dụng loại có mã dù không thuộc dạng rủi ro cao.

Giám đốc một DN có trụ sở tại quận 3 (TP.HCM) cho biết vừa qua DN của ông nhận được tờ khảo sát từ chi cục thuế, trong khảo sát có câu hỏi DN có thuộc 15 ngành nghề gồm: điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, thương mại điện tử, siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt... hay không.

Nếu thuộc những ngành nghề này mới được lựa chọn giữa sử dụng HĐĐT có mã và không có mã. Ngược lại, DN buộc phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.

Theo vị giám đốc này, tại điều 91 Luật quản lý thuế lại quy định ngoài 15 ngành nghề trên thì DN, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm đáp ứng lập, tra cứu HĐĐT, lưu trữ dữ liệu theo quy định... cũng thuộc diện không phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, trừ trường hợp DN thuộc diện rủi ro cao.

Công ty tôi đáp ứng các điều kiện trên. Nhưng hiện nay tại TP.HCM, cơ quan thuế chỉ chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đối với các DN ở 15 lĩnh vực nêu trên và buộc công ty tôi sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế là không phù hợp với Luật quản lý thuế", vị giám đốc này bức xúc nói.

Nhiều DN cũng phản ứng quyết liệt với việc này. Chị Mỹ Ngọc, kế toán trưởng một DN tại quận 8, cho rằng có việc bắt buộc gần như toàn bộ DN phải sử dụng hóa đơn có mã (trừ DN thuộc 15 ngành nghề liệt kê ở trên).

Luật cho nhưng cơ quan thuế lại không

Chị Mỹ Ngọc lo ngại: bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và cả bán trực tiếp, có khi chỉ trong 1 tiếng phải giao hàng, 1 sàn thương mại điện tử 1 ngày có đến mấy ngàn đơn hàng, mà mỗi lần xuất hóa đơn là phải xếp hàng chờ cơ quan thuế cấp cho 1 cái mã thì mới xuất được hóa đơn. Như vậy là mọi người cùng chờ và khả năng xảy ra nghẽn mạch rất cao.

Trong khi đó, ngày nào hệ thống nghẽn là ngày đó DN nghỉ làm ăn vì không xuất được hóa đơn. Mặt khác, dù là HĐĐT nhưng DN vẫn phải in chuyển đổi để vận chuyển trên đường. "Nếu trong trường hợp nghẽn mạch không xuất được hóa đơn, hàng hóa bị bắt thì ai sẽ chịu rủi ro?", chị Mỹ Ngọc hỏi.

Cũng theo chị Ngọc, cả nước có hơn 600.000 DN, riêng TP.HCM hơn 200.000 DN, vậy khi nhu cầu cùng đổ dồn về thì hệ thống nào chịu nổi? Do vậy với quy định chặt chẽ như vậy thì không khéo cải tiến thành cải lùi. Rồi khi xảy ra tình trạng nghẽn mạch thì DN gọi ai, cơ quan nào sẽ đứng ra xử lý, nhất là ngoài giờ hành chính. Liệu có tổng đài như call center 24/7 của ngân hàng hay không?

"Thông tư 78 quy định rõ ràng trường hợp nào rủi ro cao, trong khi cơ quan thuế lại "quơ đũa cả nắm" như vậy khiến DN rất bị động. Chưa kể với quy định này còn vô hiệu hóa cả thông tư của Bộ Tài chính", chị Ngọc nói thêm.

Cơ quan thuế: thuận lợi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Minh Giao, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho hay việc áp dụng HĐĐT có mã hay không có mã theo hướng dẫn từ Tổng cục Thuế. Trước thắc mắc của DN, ông Giao cho hay khi áp dụng hóa đơn có mã, cơ quan thuế... không xem DN thuộc diện rủi ro cao.

Theo ông Giao, mã của cơ quan thuế gồm 34 ký tự được tạo ngẫu nhiên, duy nhất và bảo mật. Thông tin của HĐĐT có mã đã gửi cho người mua thì ngay lập tức có dữ liệu trên cổng thông tin điện tử ngành thuế và cơ quan chức năng tra cứu được khi kiểm tra hàng hóa lưu thông.

Việc DN trích dẫn điều khoản cho phép DN ngoài 15 ngành nghề được sử dụng HĐĐT không mã cơ quan thuế, ông Lưu Đức Huy, vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), xác nhận: điều 91 của Luật quản lý thuế số 38, bên cạnh DN kinh doanh 15 ngành nghề trên thì các DN, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập HĐĐT đáp ứng lập, tra cứu, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định (và bảo đảm việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế) thì được sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao.

Về lo ngại nghẽn mạng, ông Huy xác nhận thời gian đầu triển khai vừa qua có một số vướng mắc liên quan đến đường truyền và phần mềm, tuy nhiên đã nhanh chóng nâng cấp ứng dụng và giải đáp vướng mắc.

Không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành, lưu giữ, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp VN - nhận định những DN làm ăn bài bản, minh bạch sẽ có lợi thế hơn, thu ngân sách cũng sẽ tăng, tránh tình trạng hóa đơn giả khi hóa đơn đã được cơ quan thuế xác thực.

Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị ngành thuế có giải pháp xử lý nghẽn mạng, đặc biệt là bảo mật thông tin không bị lộ để DN yên tâm sử dụng. Chi phí khi chuyển đổi HĐĐT cũng cần hợp lý vì phần đông DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Hướng dẫn Đăng ký thông tin sử dụng HĐĐT trên mẫu 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA của Nghị định 123

Bước 1: Truy cập vào Cổng TTĐT Tổng cục Thuế (tại hoadondientu.gdt.gov.vn) và điền các thông tin tại Tờ khai đăng ký sử dụng HĐĐT bao gồm: tên người nộp thuế, mã số thuế, cơ quan thuế quản lý, người liên hệ, địa chỉ liên hệ, điện thoại liên hệ, thư liên hệ.

Bước 2: Tích lựa chọn hình thức hóa đơn có mã hoặc không có mã: Có mã của cơ quan thuế; Không có mã của cơ quan thuế.

Bước 3: Tích lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã phải trả tiền dịch vụ hay không phải trả tiền dịch vụ

Bước 4: Lựa chọn phương thức chuyển dữ liệu HĐĐT

Bước 5: Lựa chọn loại hóa đơn sử dụng

Hóa đơn GTGT; Hóa đơn bán hàng; Hóa đơn bán tài sản công; Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia; Các loại hóa đơn khác; Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn.

Bước 6: Điền các danh sách chứng thư số sử dụng

Bước 7: Đăng ký ủy nhiệm lập hóa đơn (nếu có)

Bước 8: Điền đầy đủ ngày tháng năm và ký tên người nộp thuế.